<bgsound src="/Nhac Dieu Buon Phuong Nam.mp3"/> Le Dinh








Bùi Duy Tâm































Linh Hồn Và Cõi Âm

Bùi Duy Tâm



Người ta đã sinh ra thì tất sẽ chết. Nên mọi người đều rất quan tâm và đa số sợ chết. Do đó sinh ra các triết nhân và triết thuyết về cái chết, các thánh nhân và tôn giáo về thiên đàng, địa ngục, các mê tín dị đoan về ma quỷ. Chúng tôi cũng như mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về Cõi đời sau khi chết nhưng hơi nhiều hơn mọi người.

Tôi, Bùi Duy Tâm, sinh ra trong một gia đình ba đời theo Đạo Thiên Chúa, đã đọc Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân Ước) ba lần, đi nhà thờ rất đều mỗi sáng chủ nhật cho đến năm 30 tuổi. Sau này làm bạn tâm giao với cố Linh mục Bửu Dưỡng và Hoà thượng Thích Mãn Giác, nên tôi có điều kiện đàm luận về Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Tôi đã được hiểu cái tinh tuý của Lý Dịch và Đạo Nho với cố Bác sĩ Nguyễn Văn Ba. Tôi đã đọc rất kỹ các cuốn Tử Thư của Ai Cập và Tây Tạng cũng như nhiều sách khác cùng loại. Tôi đã sang Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng… để tìm hiểu thêm về Huyền Bí Học và Siêu Hình Học. Nhưng tất cả đều mù mờ về “Linh hồn” và “Cõi đời sau khi chết”. Không có đủ chứng cứ cụ thể có thể thuyết phục tôi. Tôi không chấp nhận các giáo điều của chính trị và tôn giáo. Tôi không yên tâm với tín ngưỡng và chán ngấy các loại sách viết huyên thuyên xích đế chẳng có gì cụ thể.

Tôi trở thành một người theo phái bất khả tri: “Con người nhận biết thế giới và vũ trụ với khả năng rất giới hạn nên không thể biết được sự tuyệt đối về Thượng Đế, Linh hồn và Cõi đời sau khi chết”.

Và như vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu sự hiện hữu của Linh hồn và Cõi Âm của tôi chưa đi đến đâu cả, chưa thấy một sự kiện gì đủ thực tế để bấu víu.

Đầu thế kỷ 21, tình cờ cầm tờ Y Tế Nguyệt San số 5, tháng 5, 2001 của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ và đọc bài viết “Thế giới vô hình và việc tìm kiếm mồ mả ở Việt Nam” của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên (nguyên Phó thủ tướng đặc trách Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Xã hội thời Việt Nam Cộng Hoà). Trong bài báo, Bác sĩ Viên tả lại việc tìm mộ gia đình của Kỹ sư Trần Lưu Cung (nguyên Tổng giám đốc Giáo dục kỹ thuật và Thứ trưởng Đại học thời Việt Nam Cộng Hoà) do hướng dẫn của các nhà ngoại cảm (ông Ngà, cậu Liên, cậu Nguyện…). Các nhà ngoại cảm tìm mộ đều nói chính vong linh của người quá cố đã chỉ cho họ những chi tiết để hướng dẫn gia đình tìm mộ. Đặc biệt trong bài báo, Bác sĩ Viên còn đề cập đến bài tự thuật “Tôi đi gặp người thân đã mất (vong) tại nhà cô Phương ở Bắc cầu Hàm Rồng tỉnh Thanh Hoá.

Ông Nguyễn Hùng Phong. Ông Phong đã tường thuật lại việc ngày 16-12-1999 đến nhờ cô Phương giúp cho được gặp lại vong linh của vợ là bà Vũ Thị Hạnh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đã mất đột ngột tại nơi làm việc tháng 3 năm 1999 do bệnh tim...

Sau khi đọc xong bài báo, tôi mừng quá, liền gọi điện thoại ngay cho ông Trần Lưu Cung. Ông Cung xác nhận sự kỳ diệu của việc tìm mộ và còn gửi cho tôi xấp tài liệu riêng của gia đình kèm theo rất nhiều hình ảnh. Như vậy là đề tài “Linh hồn và Cõi âm” đã có cơ hội hé mở sau bao thất vọng. Còn đợi gì nữa mà không về Việt Nam, đến cầu Hàm Rồng để tìm gặp cô Phương cho ra nhẽ?


Tháng 10 năm 2003 tôi về Hà Nội để làm lễ Cửu Tuần Đại Thọ cho mẹ tôi. Tới Hà Nội đêm hôm trước, thì sáng sớm hôm sau tôi lên đường đi Thanh Hoá để gặp cô Phương. Tôi mời mẹ tôi đi cùng, lấy cớ đưa mẹ đi Sầm Sơn để ôn lại các kỷ niệm xưa. Trước khi rời Hà Nội, mẹ con tôi ghé lại tiệm may áo dài. Tôi mang từ Mỹ về xấp vải nhung đỏ để may cho mẹ một áo dài mặc trong lễ Cửu Tuần Đại Thọ sắp tới.

Trên đường đi Thanh Hoá, tôi ghé vào em Bùi Duy Tuấn nhằm cầu xin cha tôi (mất năm 1990 tại Sài Gòn) về điện cô Phương, cầu Hàm Rồng để các con và mẹ được gặp cha. Chúng tôi không dám nói với mẹ mục đích của chuyến đi vì mẹ tôi sùng Đạo Chúa (Tin Lành), không chấp nhận những chuyện “ma quỷ” như vậy.

Khi đến nơi, hai anh em tôi thấy quang cảnh đúng như trong bài báo của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên: Khoảng 30-40 người ngồi im lặng, nghiêm chỉnh, có vẻ lo âu chờ đợi trước một cánh cửa đóng kín. Một người đàn bà (sau này tôi biết là chị chồng cô Phương) dáng mập ngồi chắn trước cửa, thỉnh thoảng hô lên “Nhà ai có vong tên… thì vào”. Thế là vài ba người hay dăm bảy người mừng rỡ hấp tấp đi vào… Chúng tôi mời mẹ vào ăn sáng tại một nhà nghỉ khá lớn ở ngay trước điện cô Phương (nhà nghỉ này của nhà chồng cô Phương tiếp các khách ở xa đến phải chờ đợi vong nhà mình có khi tới ba ngày, cả tuần lễ hay đôi khi thiếu may mắn không gặp được vong, đành phải ra về tay không). Hai anh em tôi lén đi thắp nhang trước điện để cầu khẩn cha tôi về theo thủ tục như mọi người. Thỉnh thoảng cửa hé mở để dăm ba người đi ra. Người thì tỏ ra hớn hở. Người thì nước mắt sụt sùi. Tôi sốt ruột đi hỏi xem có phải đăng ký hay làm thủ tục gì nữa không, thì mọi người đều xác nhận không phải làm gì cả, mà cứ kiên nhẫn ngồi chờ. Khi vong nhà mình về thì người ta gọi vào.

Tôi thắc mắc là tôi chưa khai tên của cha tôi thì ai biết mà gọi. Mọi người cười, chế nhạo tôi là hỏi thật ngớ ngẩn!

Chúng tôi chờ từ 10 giờ sáng đến ba giờ chiều thì người đàn bà ngồi trước cửa đứng lên nói to: “Cô Phương nghỉ làm. Xin mời quý vị ngày mai trở lại”. Thế là anh em tôi ngao ngán cùng với vài ba chục người đứng dậy ra về. Chúng tôi đưa mẹ ra Sầm Sơn nghỉ ngơi và thăm lại cảnh xưa chốn cũ. Thật cảm động khi trở về nơi mà tôi đã sống những ngày thơ ấu cách đây hơn nửa thế kỷ (gần 60 năm).

Sáng hôm sau chúng tôi trở lại điện cô Phương. Lần này chúng tôi phải thú thật với mẹ chuyện hai anh em đang làm. Mẹ tôi dẫy nảy lên: “Đến chỗ ma quỷ! Tao không vào đâu!”. Chúng tôi lại phải đành mời mẹ ngồi ăn sáng ở nhà nghỉ như ngày hôm trước. Lần này tôi sốt ruột lắm rồi. Tôi đi ra đi vào, hỏi chuyện người này người nọ. Tôi gặp bố mẹ chồng cô Phương. Ông Nghinh (bố chồng) mời tôi uống nước, đang kể chuyện cô Phương thì bỗng nghe có tiếng gọi: “Bà Tỉnh đâu, người nhà ông Tỉnh đâu?” (cha tôi tên là Bùi Văn Tĩnh, nhưng vì nói giọng Thanh Hoá nên nghe gọi tên là Tỉnh). Phải gọi đến vài ba lần thì anh em tôi mới biết là gọi mình. Tôi chạy tới cánh cửa. Em Tuấn chạy ra hối hả gọi mẹ: “Mợ ơi, Cậu về gọi mợ đấy!”. Mẹ tôi hốt hoảng đứng bật dậy chạy theo em tôi, quên mất lập trường chống ma quỷ của mình.

Qua cánh cửa, chúng tôi bước vào một căn phòng khá rộng rãi, trống rỗng. Ngoài cái bệ trên tường để trái cây và các phong bì (chắc là tiền thưởng), thì không có bàn thờ hay trang trí gì khác của một cái am, cái điện. Cô Phương ăn mặc diêm dúa như các cô gái Hà Nội, mặt hoa da phấn, đang ngồi tỉnh táo trên chiếu cùng với một gia đình đông trên chục người. Cô cất tiếng: “Gọi mãi mà các bác không vào, nên vong nhà khác tranh vào trước. Thôi, các bác vui lòng ngồi chờ nhé!” Thế cũng tốt, chúng tôi có dịp được quan sát thêm. Cô Phương gọi tên hết người này đến người nọ trong gia đình ngồi chung quanh cô. Khi gọi trúng tên ai thì giơ tay thưa: “Dạ, con đây (hay em đây, cháu đây…)”. Và người đó nói chuyện với vong (qua miệng cô Phương). Tôi nghe thấy đa số trả lời: “Dạ, đúng vậy…” có vẻ cung kính lắm.

Có một chuyện cười ra nước mắt. Vong gọi: “Thằng Thanh đâu?”. Một thanh niên chừng 25 tuổi đứng bật dậy: “Dạ, con đây!”. Vong nói: “Mày không biết thương vợ con. Mày tằng tịu với con Mai ở cùng cơ quan”. Chàng thanh niên sợ hãi líu ríu nhận tội. Người phụ nữ ngồi cạnh (chắc là vợ) oà lên khóc nức nở. Sau gần một giờ, gia đình đó mới kéo nhau ra. Bỗng cô Phương nhìn chằm chằm vào mẹ tôi rồi kêu to lên: “Mợ ơi! Con của Mợ đây! Thắng đây! (Thắng là đứa em út của chúng tôi, mất lúc chưa đầy một tuổi). Mẹ tôi vừa xúc động vừa ngạc nhiên: “Trời ơi! Con tôi… Nhưng con mất từ hồi mới… tám tháng…” Vong nói qua miệng cô Phương: “Bây giờ con lớn rồi. Hôm qua con biết Mợ và hai anh đến, nhưng con phải đi mời Cậu. Cậu không chịu về. Con phải nói: Mợ già yếu, còn anh Tâm ở xa về nên Cậu mới chịu. Cậu và Ông Nội cũng về đây với con”. Rồi quay sang phía hai anh em tôi, cô Phương nói: “Hai anh chẳng nhớ gì đến em. Hai anh chỉ khấn Cậu thôi!”. Đúng vậy! Chúng tôi đâu có nghĩ đến thằng em út đã mất từ lúc tám tháng. Thật bất ngờ cho chúng tôi. Quay trở lại mẹ tôi, cô Phương nói: “Con thích tên là Bùi Duy Thắng như các anh con là Bùi Duy Tâm, Bùi Duy Tuấn. Sao Mợ lại đặt tên con là Bùi Tất Thắng?”. Mẹ tôi luống cuống: “Tại bố con đấy! ”. (Hồi đó cả nhà trách bố tôi vì đặt tên thằng út là Tất Thắng. Tất còn có nghĩa là hết, tức là chết. Nên nó mới mất sớm. Nhân tiện tôi nói thêm là việc đặt tên rất quan trọng, còn quan trọng như thế nào thì tôi không biết. Nhưng tôi có biết ông Đỗ Trí ở Sơn Tây có tài chỉ cần đọc tên là ông biết con người ấy như thế nào, như xem chỉ tay hay số tử vi vậy.) Vong em tôi nói tiếp qua cô Phương: “Thôi, Mợ đã khắc tên con trên bia mộ rồi!” Đúng thế. Tên em tôi đã được khắc trên bia mộ, nằm cạnh ông bà ngoại tôi trong nghĩa trang Bất Bạt. Đến lượt bố tôi vào. Vong bố tôi qua thân xác cô Phương nắm tay mẹ tôi, rồi nói: “Hơn mười năm rồi mới gặp lại bà. Tôi nhớ bà lắm…”. Mẹ tôi khóc nức nở. Chúng tôi cũng khóc. Bố tôi bỗng trách đùa mẹ tôi: “Bà diện lắm! Mới đi may áo đỏ…” Trời ơi! Sao bố tôi biết nhanh thế? Trong gia đình tôi đã có ai biết chuyện may áo đỏ của mẹ tôi đâu! Tôi mới về Hà Nội tối hôm trước thì sáng hôm sau trên đường đi Thanh Hoá ghé qua tiệm may, bỏ xấp vải nhung đỏ để may áo cho mẹ kịp mặc vào Lễ Đại Thọ. Mẹ tôi đương líu ríu chống chế thì bố tôi bồi thêm một câu đùa yêu tiếp: “Bà còn muốn tô son đánh phấn nữa!” Mẹ tôi rên rỉ: “Cái gì ông cũng biết! Đúng rồi! Tôi vừa xin con cháu Trinh Hương, con gái anh Minh, một chút son phấn để hôm Lễ Đại Thọ thoa một chút. Mặt mũi răn reo quá, sợ thằng con trai cả của ông nó ngượng với bạn bè”. (Chuyện này mẹ tôi giấu kín mọi người, trong khi anh em tôi không hay biết gì, thế mà bố tôi cũng biết!)” Rồi cô Phương quay sang tôi: “Tâm ơi! Cậu buồn quá vì chuyện con Hà nhà con. Nó lôi thôi với chồng nó thì chỉ khổ cho ba đứa con thôi”. (Hà là con gái tôi. Chuyện của nó mới xảy ra trước khi tôi về Hà Nội. Vợ chồng tôi nghe phong phanh, nhưng chưa có dịp trao đổi với nhau. Thế mà mọi chuyện người Âm đều biết, không giấu giếm được!) Một lúc sau thì ông nội tôi về. Qua miệng cô Phương: “Tao là Bùi Văn Khanh, ông nội đây. Cả bà nội Nguyễn Thị Ngọt cũng về đây!” Tôi vội thưa: “Thưa Ông, con nghe anh Đại con cô Hai nói tên Ông là Khánh, nhưng lâu ngày trên giấy khai sinh của Bố con mất dần dấu sắc, nên đọc là Khanh” (cô Hai là chị ruột bố tôi.) Ông nội tôi gắt lên: “Tên tao là Khanh, chứ không phải là Khánh”. Rồi quay sang mắng mẹ tôi: “Chị về làm dâu nhà tôi mà không đoái hoài mồ mả tổ tiên nhà chồng. Từ ngày cưới chị, chị chỉ về quê nội có một lần!”. Mẹ tôi sợ hãi chống chế: “Gia đình con ở Hà Nội, Hải Phòng. Quê nội ở mãi Bái Đô, Lam Kinh – Thanh Hoá, nên đi lại khó khăn. Và, con sinh con đẻ cái đều đều ba năm hai đứa nên không về thăm quê được. Con xin nhận tội với ông bà”.

Cứ như thế trong 90 phút vui buồn, khóc lóc...

Hai anh em tôi và mẹ hớn hở ra về. Có lẽ vì cao hứng nên chúng tôi ghé thăm nhà thơ Hữu Loan, người bạn cũ ở Thanh Hoá. Đáng nhẽ về thẳng Hà Nội, nhưng chắc còn luyến tiếc những giờ phút quý báu xúc động buổi sáng đó nên chúng tôi quay trở ngược lại cầu Hàm Rồng để chụp ảnh với cô Phương. Kỳ này mẹ tôi không phản đối nữa mà còn hăm hở muốn gặp cô Phương. Cô Phương vui vẻ cho biết thêm: “Cụ ông lại vừa về cho biết đã đăng ký chỗ dạy học cho bà rồi”.

Lại thêm một ngạc nhiên: Mẹ tôi vốn là một giáo viên hồi hưu. Ngày xưa, mẹ tôi là người đàn bà Tây học. Khi lấy chồng, sinh con thì ở nhà. Khi các con khôn lớn thì bà mới đi dạy lại vì sự khuyến khích của bố tôi. Thôi, không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng là vong linh của bố tôi rồi! Lúc nào bố tôi cũng muốn mẹ tôi sử dụng cái tri thức của mình. Ngày hôm đó là ngày trọng đại của đời tôi. Tôi thấy cụ thể sự hiện hữu của Linh hồn và cõi âm. Dù cho sau này cô Phương có nói bậy gì đi nữa, các cô gọi hồn khác, các nhà ngoại cảm khác đôi khi có nói bậy vì mưu sinh thì kết quả của ngày hôm đó vẫn không thể chối cãi được, nếu không nói là được tuyệt đối chấp nhận. Khác nào như ta cố gắng gọi điện thoại cho người thân, đường dây rất khó khăn, rất xấu, nhưng chỉ một lần thôi ta nghe rõ tiếng người thân trò chuyện với ta về những chuyện gia đình mà người ngoài không thể biết được, thì cũng khá đủ cho ta biết rằng người thân của ta vẫn tồn tại. Tuy ta không nhìn thấy được vì giới hạn của ngũ quan, nhưng người thân quá cố của ta vẫn tồn tại với các ký ức, với các kỷ niệm dưới một dạng nào đó mà ta không biết, ta tạm gọi là “Linh hồn”, trong một thế giới nào đó mà ta cũng không biết, tạm gọi là “cõi âm” (để phân biệt với cõi Dương mà ta đang sống) hay theo kiểu Tây Phương gọi là “Cuộc đời sau khi chết” (“Life after death”)

Sau này mỗi lần về thăm quê hương, tôi đều đưa mẹ tới gặp cô Phương. Lần sau cùng mẹ tôi gặp cô ấy là cuối năm 2005. Khi đó mẹ tôi vẫn còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Trước khi ra về, cô Phương nói nhỏ với tôi: “Cụ ông nhớ bà lắm. Cụ ông sắp đưa bà về rồi. Một cách bình yên”. Ít lâu sau, mẹ tôi mất rất nhanh.

Sau này tôi có gặp nhiều nhà ngoại cảm khác ở Việt Nam, họ cũng có khả năng như cô Phương – cô Bằng, cô Thao, cô Mến trên đường từ Hà Nội qua Hải Dương đến Hải Phòng. Tôi cũng đã gặp các nhà ngoại cảm tìm mộ như Cậu Liên, anh Nguyễn Khắc Bảy, cô Phan Thị Bích Hằng…

Tôi cũng đã gặp các nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh như TS Nguyễn Chu Phác, GS Ngô Đạt Tam, GS Phi Phi, TS Ngô Kiều Oanh… làm việc ở các cơ quan khác nhau. Tôi đã được đọc câu kết luận của một tài liệu ở Việt Nam (không phổ biến công khai) như sau: “Thế giới tâm linh là có thật. Đó là một thực tế khách quan cần được các nhà khoa học nghiên cứu nghiêm túc. Chúng ta hãy bình tĩnh, khách quan lắng nghe những lời nhắn nhủ từ thế giới tâm linh để có cuộc sống nhân ái hơn, lương thiện hơn”.

Bùi Duy Tâm












Free Web Template Provided by A Free Web Template.com